Thành tích nghệ thuật : Danh hài Vũ Đức tên thật là Nguyễn Văn Đức, sanh năm 1953 tại Sài Gòn. Thân phụ của anh là nghệ sĩ Văn Đủ diễn viên chánh của đoàn hát cải lưong Nhạn Trắng. Mẫu thân của anh là con gái của ông chủ rạp hát ở Ngã Tư Sở, Hànội.
Nhân khi đoàn hát Nhạn Trắng lưu diễn Hà Nội trong những năm 1942, 1943, chàng kép đẹp trai Sài Gòn - nghệ sĩ Văn Đủ được cô gái Hà Nội, con của ông chủ rạp hát si mê nên thân sinh của cô chấp thuận gả con gái cho với hy vọng là sẽ nhờ chàng rể kép hát tài ba tổ chức một gánh hát cải lương để hát thường trực tại rạp hát của ông. Đó là cách giúp cho con gái bảo đảm hạnh phúc gia đình và tiếp tục nghề kinh doanh rạp hát cải lương của ông.
Nghệ sĩ Văn Đủ yêu vợ và yêu nghề, anh cũng hy vọng lập được một đoàn hát để tự mình thực hiện những hoài bảo về nghệ thuật sân khấu. Cuối năm 1943, phi cơ Đồng Minh liệng bom quân Nhựt ở Hànội, tình trạng giới nghiêm được ban hành, các gánh hát miền Nam ra Bắc hát lần lượt trở về miền Nam.
Nghệ sĩ Văn Đủ và vợ anh theo đoàn Nhạn Trắng về Saigon với hy vọng khi tình hình chiến sự được ổn định, anh chị sẽ chiêu mộ được một số nghệ sĩ cải lương Saigon theo anh ra Bắc để lập một đoàn hát cải lương hát thường trực tại rạp hát của nhạc phụ của anh.
Năm 1944, rồi năm 1945, hàng triệu dân miền Bắc và Hà Nội bị nạn chết đói. Đến tháng 12 năm 1945, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, các gánh hát cải lương điêu đứng, nhiều gánh hát tan rã. Gánh hát Nhạn Trắng giải tán, vợ chồng nghệ sĩ Văn Đủ không thể trở về Hà Nội, anh chị gia nhập các đoàn hát nhỏ để kiếm sống qua ngày.
Năm 1952, anh gia nhập đoàn hát Hoa Sen của ông bầu Bảy Cao. Năm 1953, nghệ sĩ Văn Đủ sanh đứa con trai đầu lòng, sau nầy trở thành một danh hề của sân khấu cải lương, danh hề Vũ Đức.
Sau năm 1954, rạp hát của nhạc phụ của ông bị chánh quyền mới tịch thu, mộng trở về Bắc lập gánh hát để hát ở rạp hát nhà của vợ chồng nghệ sĩ Văn Đủ cũng trở thành mây khói vì thời cuộc.
Vũ Đúc sống chung với cha mẹ trong đoàn hát nên từ lúc nằm nôi đã nghe ca vọng cổ và các bài bản cải lương, năm Vũ Đức lên được 7 tuổi (1960 ) em đã biết ca rất nhiều bài bản mà tự em cũng không hiểu đã được ai dạy, học tự lúc nào. Bài bản cải lương như một chất keo thẩm thấu vào một tờ giấy quyến mỏng tanh, nó thâm nhập vào đầu óc non nớt của Vũ Đúc đến độ khi người trong gánh hát nghe chú bé tí teo Vũ Đức ca cổ nhạc, họ nói là ông Tổ Cải lương đã ghi tên Vũ Đúc vào trong sổ đoạn trường của cái nghiệp xướng ca.
Nghệ sĩ Minh Tơ mở lớp đào tạo diễn viên trong một đoàn hát gồm các em nam, nữ từ 11 tuổi tới 16 tuổi lấy bảng hiệu là Đồng Ấu Minh Tơ, ông đặc cách thu nhận em Vũ Đức vào lớp học nầy mặc dầu Vũ Đúc chỉ mới có 7 tuổi, vóc người bé nhỏ và thấp lùn. Vũ Đức được học chung với các diễn viên trẻ khác như Thanh Tòng, Hoàng Thanh, Bữu Truyện, Trường Sơn, Trung Quan, Thành Tốt ( tức Hoàng Linh anh của Tú Trinh), Kim Sa, Thanh Thế, Xuân Yến, Bạch Lê, Công Minh, Thanh Loan, Thanh Phú…
Vì vóc vạc nhỏ con, lùn thấp, Vũ Đức được tập cho hát các vai tuồng như Phùng Mậu, Mao Toại, Đậu Nhứt Hổ…bnhững viên tướng lùn nổi danh trong các tuồng Tàu… thường được nguyên soái sai độn thổ vô phòng các công chúa phiên quốc để trộm bảo bồi phá trận. Vì lẽn vào phòng các nàng nên có khi bị bắt, bị hành hạ dở khóc dở cười nhưng cũng có trường hợp tướng lùn được sánh duyên cùng công chúa. Do tính cách nhân vật xây dựng như vậy nên nghệ sĩ Vũ Đức diễn những vai kép lẵng, lẵng hài và đã thành danh hài từ khi còn rất trẻ.
Năm 1962, Vũ Đức, một diễn viên hài mới 9 tuổi, nổi tiếng thần đồng khi em diễn chung với Thanh Tòng, Bữu Truyện, Thanh Thế, Bạch Lê trong các trích đoạn tuồng Tàu trong các suất hát của đoàn Đồng Ấu Minh Tơ. Sau đó Vũ Đức được bà bầu Ut Bạch Lan mời diễn vai hề trên sân khấu đoàn hát Út Bạch Lan - Thành Được.
Với cái duyên sân khấu trời cho, Vũ Đức đã mang lại cho khán giả những trận cười vở rạp, các vở tuồng của đoàn hát Út Bạch Lan Thành Được khi mới khai trương bảng hiệu như tuồng Trãm Mã Trà, Tướng Quốc Liêm Pha, thành công vang dội là có sự đóng góp không nhỏ của danh hài Vũ Đức. Lúc đó quái kiệt Ba Vân làm đạo diễn trên sân khấu Út Bạch Lan Thành Được, ông đã hết lòng chỉ dạy cho Vũ Đức những kỹ thuật chọc cười.
Trong tuồng Tướng Quốc Liêm Pha, nghệ sĩ lão thành Ba Vân và hề nhí Vũ Đúc đóng hai vai đối nghịch nhau, Ba Vân làm viên cận tướng già gát cửa tư dinh của tướng Liêm Pha, Vũ Đức đóng vai một cậu bé ranh mãnh tìm cách nhập vào dinh Liêm Pha để trao thơ của Lạn Tương Như. Một già một trẻ đấu trí với nhau, sau cùng hề Vũ Đức trong vai đứa trẻ đưa thư gạt được quái kiệt Ba Vân trong vai tướng giữ cửa của Liêm Pha.
Một lối diễn diểu hấp dẫn khán giả, tạo được những trận cười nghiên ngửa. Khán giả nói vô coi tuồng Tướng Quốc Liêm Pha là để coi Ba Vân và Vũ Đức diễu. Soạn giả Lê Khanh, người soạn ra tuồng đó bực mình vì cách diễu ăn khách của hai danh hề đó làm lệch lạc ý tuồng của anh nhưng rồi anh cười hề hề: Cũng được, miễn là tuồng ăn khách, soạn giả chia tiền bản quyền nhiều là tốt rồi.
Sau đó hề Vũ Đức ký hợp đồng hát cho đoàn hát Xuân Liên Hoa, đoàn Hoàng Ngọc Ẩn, đoàn Tiền Giang, đoàn Sông Bé mới, đoàn Cao Nguyên, đoàn hát Saigòn 1, đoàn Tiếng Hát Vương Linh... sau cùng là nhà hát Trần Hữu Trang.
Hề Vũ Đức tâm sự: Rất ít kịch bản xây dựng được cho vai hài một tính cách và đất diễn cho thỏa đáng. Bỡi vậy nhiều anh em diễn viên hài chúng tôi phải tìm một lối diểu hình thể, có người phùng mang, trợn mắt, có người méo miệng chu mỏ khi nói, có người giả lé, có người cà lăm, và cũng có người khi xuất hiện trên sân khấu thì tìm cách té nghe một cái rầm, có người cười dê, có người nói nhừa nhựa và cũng có người nói liên tu như súng liên thanh nổ, nói nhanh tới mức chính người nói cũng không hiểu là mình nói gì. Khán giả lại càng không hiểu anh chị danh hài đó nói gì. Thấy ngồ ngộ thì khán giả cười.
Tôi thì mập, lùn, đen đúa, lại mặt bự, mỏ hơi nhọn, vậy nên tôi vô các vai nông dân cục mịch thì tôi diễn chậm chạp, cục mịch là ăn chắc. Còn nhớ tuồng Giấc Mộng Không Tên, tôi đóng vai anh nông dân tên Lợt, một vai kép lẵng, bác Lợt thầm thương trộm nhớ một bà láng giềng, do nữ nghệ sĩ Thanh Vy thủ diễn.
Cô cao hơn tôi nhiều, lại đep gái, tôi ấp a ấp úng, nhón gót để mỗi lần nói chuyện với người mà tôi thầm yêu trộm nhớ, khán giả cười ồ, có vị khán giả kêu lớn: Bắt ghế đứng lên cho cao, nói cổ mới nghe…Ngước mặt lên hoài, mỏi cổ chết, bắt ghế cho cao đứng lên rồi hảy nói chuyện…
Nhờ ông Tổ sân khấu cho chút duyên, tôi diễn vai nầy được khán giả nhiệt liệt tán thưởng. Tôi đạt được huy chương vàng hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995 nhờ vai tuồng nầy.
Về gia đình thì Vũ Đức sinh trong một gia đình có 7 anh em nhưng chỉ có một mình anh theo nghề hát. Các vở hát để dấu ấn sâu đậm của hề Vũ Đức có những vở: Những mảnh Đời Côi Cút, Ngôi Nhà Không Đờn Ông, Giấc Mộng Không Tên. Anh cũng thu nhiều băng video và diễn tấu hài trong nhóm hài Vũ Đức – Linh Trung.
Thời gian lớn tuổi, danh hài Vũ Đức bị bệnh viêm gan cấp tính, trong thời kỳ có thể nguy hiểm đến tính mạng, vì chú quá nghèo, không đủ tiền thuốc thang chửa trị. Trang nhà Cải lương Số cũng hay thăm và tặng quà chú trong điều kiện cho phép.
Theo SG Nguyễn Phương, RFA